Phân biệt thịt heo siêu nạc an toàn
Có thể nói, việc người tiêu dùng quay lưng đối với loại thịt heo
siêu nạc có chứa hóa chất trong thời gian gần đây đã cho thấy một phản ứng
quyết liệt trước vấn đề không đảm bảo ATVSTP.
Tuy nhiên trong sự việc này, ngoài lý do
phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe, việc người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là
thịt an toàn đâu là thịt nguy hại cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị
trường thịt heo khá ảm đạm.
Thông tin thịt heo có sử dụng chất tạo
nạc cũng đã khiến cho không ít tiểu thương phải dở khóc dở cười với lượng thịt
bị tồn đọng lại trong ngày. Bằng kinh nghiệm và nhận thức về sức khỏe của cộng
đồng, nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành đã tẩy chay với nguồn thịt không rõ
nguồn gốc.
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, tiểu thương chợ
Bến Thành nói: “Trước đây tôi bán thịt heo là nạc sát da còn heo mà tôi nhận
hàng từ cơ sở an toàn là miếng thịt nó có mỡ tự nhiên, có cả nạc lẫn mỡ. So với
loại heo mà biến mỡ thành nạc thì màu nạc nó hơi đen và hoàn toàn không có tí mỡ
nào. Cái giá của hàng an toàn bao giờ cũng cao hơn giá hàng không rõ nguồn gốc,
nó chênh lệch tới gần 20.000 đồng/kg, sau này tôi không bán hàng đó nữa".
Một công trình nghiên cứu gần đây của
Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cho thấy chất cấm họ beta agonist khi vào cơ
thể vật nuôi sẽ khiến các sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA, các sợi cơ này
là phân tử nucleic acid mang thông tin di truyền trong tế bào sợi cơ, vì vậy nó
sẽ làm cho thịt nạc trở nên khô và nghèo chất béo của thịt. Tác hại của những
chất này còn có khả năng làm ngộ độc cấp tính; rối loạn chức năng sinh lý bình
thường.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Viện Khoa học kỹ
thuật nông nghiệp miền Nam nói: "Có thể dễ nhận biết nhất đối với thịt
siêu nạc do hóa chất đó là màu thịt đỏ sậm, nạc gần như dính vào da, khi sờ lên
bề mặt có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da có thể xuất hiện đốm đỏ. Trong
khi thịt heo giống siêu nạc nuôi theo kỹ thuật thông thường sẽ có màu hồng
tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có
mùi thơm, không bị ra nước".
Nhiều miếng thịt heo khi ra khỏi lò mổ,
dù sạch hay không sạch nó cũng được người bán và người mua đánh đồng như nhau
bởi không ai có thể phân định được nó có sử dụng hóa chất hay không. Chính sự đánh
đồng này đã vô tình làm cho thịt heo có giống siêu nạc đã bị vạ lây.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nói: “Trước đây chúng tôi đã thực
hiện chương trình nạc hóa đàn heo để nâng giá trị và chất lượng cho người chăn
nuôi. Bây giờ có tình trạng sử dụng chất tạo nạc, vô hình chung là loại heo nào
nhiều nạc cũng bị nghi ngờ. Chúng tôi đang dừng hết các hoạt động thanh tra
khác để làm quyết liệt với thức ăn chăn nuôi".
Trong phút chốc, công trình lai tạo giống
siêu nạc đã bị chất tạo nạc vốn dĩ bị cấm sử dụng trong chăn nuôi hất đổ xuống
biển. Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc trại chăn nuôi Phú Sơn, tỉnh Đồng Nai cho biết:
“Chúng tôi sản xuất ra con giống và nhập giống từ Mỹ, Đan Mạch, Canada… Chúng
tôi lai tạo nó để tạo ra một con heo F1 để tạo ra con heo nạc và quy trình này
rất vất vả và tốn nhiều chi phí. Chúng tôi phải tạo giống từ những năm 90 đến
bây giờ mới đạt được tỉ lệ nạc hơn 60%. Trong khi đó, những người sử dụng chất
tạo nạc chỉ mất 3 tuần lễ, đó là sự cạnh tranh không công bằng nhưng tôi nghĩ
tỉ lệ sử dụng cũng không nhiều. Tôi kiến nghị là nhà nước phải làm quyết liệt
và phải duy trì thường xuyên như vậy mới mong lấy lại lòng tin ở người tiêu
dùng".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét